26 thg 10, 2008

Cười cái "Tối kiến"

BỘ Y TẾ "TUYỆT DZỜI"

Mấy ngày nay, đi đâu cũng nghe mọi người xôn xao bàn tán về chuyện Bộ Y Tế ra “chiếu chỉ” cấm những người nhỏ con, thiếu chiều cao hay… ngực lép (tất cả đều căn cứ theo “chuẩn” của Bộ Y Tế!) chạy xe phân khối lớn. Lúc đầu em cũng hoang mang lắm, không hiểu nổi tại sao “Ngài” ban hành những điều khoản hết sức lạ lùng và vô lý đó. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, em đã nghiệm ra rằng Bộ Y Tế quả là tinh đời, có tầm “nhìn xa trông rộng”. “Ngài” làm việc này chẳng qua là do… lòng tốt, muốn mang tới nhiều lợi ích hoàn hảo cho người dân Việt Nam thôi – nhất là đối với phái yếu, bởi sẽ có vô số phụ nữ “không đủ chuẩn”!

Thứ nhất: Có lẽ thấy tình hình ly hôn ở nước ta ngày càng tăng nên “Ngài” ban quy định đó để hạn chế những cô vợ ốm yếu, nhỏ con mà sáng sáng ung dung một mình một xe ra đường đến công sở! Sợ bị công an phạt, thế nào các nàng cũng đòi ngồi sau cho chồng chở. Nhờ vậy, tình cảm vợ chồng sẽ mặn nồng, khắng khít thêm!

Thứ hai: Đã đi chung rồi thì chiếc xe kia để làm gì cho chật nhà, chướng mắt (vì xe lù lù đó mà có chạy được đâu?). Sớm muộn gì họ cũng đem bán quách cho xong, lấy tiền mua sữa con uống hoặc… sắm vàng cất vô tủ. Thế là tiết kiệm được một khoản ngoài dự tính!

Thứ ba: Những người đi làm quá xa, những cô chưa lấy chồng, hay cơ quan ông xã ở ngược đường v..v…hẳn sẽ chọn giải pháp đổi chỗ làm cho gần hoặc rút về nhà phụ ba mẹ kinh doanh, buôn bán gì gì đấy. Như vậy, các cô gái này luôn có điều kiện… phụng dưỡng mẹ cha, thay vì trước đây phải nhờ người giúp việc!

Thứ tư: Khi phần đông các cô “không đủ chuẩn” đã trở về nhà làm việc tại gia đình thì một lượng lớn lao động phổ thông đương nhiên thất nghiệp. Nếu là người ở tỉnh, thấy khó sống quá họ sẽ trở về quê. Điều này giúp những làng quê xa xôi hẻo lánh và những vùng đất rộng người thưa không còn lo thiếu nhân lực. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng giảm bớt áp lực dân nhập cư gia tăng ồ ạt.

Thứ năm: Các cơ quan, ban ngành khỏi phải đau đầu về việc giảm biên chế hay buồn phiền mỗi khi ký phiếu chi khoản tiền nghỉ hộ sản cho chị em bởi họ đã tự động nộp đơn xin thôi việc, ghi lý do là “không dám lưu thông trên đường nữa”!

Thứ sáu: Sau thời gian khổ sở vì “dịch” Menaline, hàng trăm nhãn sữa sẽ làm ăn phát đạt do triệu triệu người mong muốn cải thiện chiều cao và gia tăng cân nặng! Các công ty quảng cáo “ăn theo”, khuếch trương rầm rộ và ngành sửa sắc đẹp thì tha hồ hốt bạc. Thẩm mỹ viện dù to hay nhỏ, mặt tiền hay đường hẻm đều đầu tắt mặt tối giúp khách hàng… kéo chân thêm dài, bơm ngực thêm “đồ sộ”!

Thứ bảy: Với khả năng “nhìn xa trông rộng” của mình, hẳn Bộ Y Tế sẽ dần dần ban thêm các điều khoản mới như cấm cả những người quá cao, quá mập, quá ốm, quá đen, quá… xấu. Thậm chí ai… sún răng hoặc có bệnh hôi nách cũng không được tham gia giao thông luôn! Đến lúc ấy, tất cả những thành viên đang chạy xe còn lại đều bỗng dưng cảm thấy tự tin và hãnh diện hẳn lên bởi họ biết rằng mình là “hàng tuyển” chớ không phải tầm thường! Mà đã tự tin rồi, ắt con người ta có thể làm thêm nhiều điều “kỳ diệu” lắm!

Thứ tám: Mặc dầu đường phố còn đầy rác, nhan nhãn hàng rong, cướp giật như cơm bữa, hút chích không dấu diếm, gái mại dâm ngang nhiên vẫy tay mời gọi khách, ăn xin móc túi ở mọi nẻo mọi nơi và các quý ông mắc chứng “tiểu đường”không hề giảm sút… nhưng, với những quy định mới của Bộ Y Tế thì Việt Nam ta hoàn toàn có khả năng đứng đầu thế giới về “vẻ đẹp tiếm ẩn” của con người và đường phố. Rõ ràng, những người xấu xí, nhỏ con hay ngực lép, da đen v..v… đã “trốn” ở nhà hoặc chui vào xe buýt hết rồi. Lưu thông trên đường lúc bấy giờ nhìn đâu cũng thấy toàn là… Hoa khôi, Hoa hậu hoặc người mẫu, Hoa vương!

Thứ chin: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng lên đột biến. Một phần do họ hết sức có cảm tình với đất nước… toàn người đẹp, nhưng phần lớn là do họ… tò mò muốn biết thưc hư thế nào khi nghe đồn người Việt Nam ai ai cũng có thể thi Hoa hậu Hoàn vũ! Trước tình hình khả quan như vậy, không những du lịch mà cả kinh tế nước ta cũng nhanh chóng phát triển!

Thứ mười: Với “sáng kiến” độc đáo và … độc nhất vô nhị này, Việt Nam sẽ nổi tiếng khắp toàn cầu! Tuy chưa mạnh mẽ và hiện đại bằng những cường quốc khác, nhưng rõ ràng suy nghĩ và quyết định của con người Việt Nam – mà đại diện là “ông” Bộ Y Tế - khiến cả trái đất phải bàng hoàng, sửng sốt! Sách Ghi-nét thế giới thế nào cũng ghi tên Bộ Y Tế Việt Nam vào thôi!!

Nguyễn Huỳnh An Thơ

86 đường số 13, Phường 4 – Quận 8

Tp. Hồ Chí Minh.

16 thg 8, 2008

NHỮNG MÙA THU QUA - Phần 2

4. Ông Trời có những trò đùa rất nghiệt ngã – cứ như trao cho cô món quà, rồi đợi khi cô vừa mừng rỡ mở nó ra thì liền rút tay lại vậy!

Anh được cơ quan cử sang nước ngoài du học ba năm. Đã có quyết định rồi và dù muốn hay không muốn, cô hiểu rằng mình khó lòng giữ anh lại bên cạnh như những ngày qua bởi đây là điều anh chờ đợi từ lâu rồi, dù không nói ra thành lời. Thực tình ngay lúc này đây, cô mong ước sao anh... ít tài hơn một chút, ít thông minh hơn một chút và cũng đừng quá tham vọng, quá cầu tiến như thế này. Tài giỏi mà làm gì khi mỗi người một phương, danh vọng cao sang mà làm gì khi đối với cô, hạnh phúc là được ở bên nhau, được chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống – cho dù đó chỉ là những điều rất nhỏ bé, vụn vặt.

Anh thuyết phục cô, Chi cũng an ủi cô. Cô không biết nên nói gì, chỉ cười buồn “Em tôn trọng công việc của anh, lý tưởng của anh mà. Có điều...”. Và cô bỏ lửng câu nói đó, tự dưng linh cảm điều gì đó thật xa xôi, huyễn hoặc. Cô tin anh, nhưng cô không phải là mẫu người lãng mạn để sống chỉ dựa vào những ước mơ, dự tính. Cô ghét thứ tình cảm lơ mơ, nhàn nhạt mà người ta cứ cố thêu dệt cho nó có màu sắc, đủ sức lóng lánh dưới ánh mặt trời. Nhưng làm một chuyện gì đấy thật quyết liệt, thật mạnh mẽ để “cách mạng” thì cô không dám. Nói đúng hơn là cô không cho phép mình cản trở bước chân anh bởi cô yêu anh, yêu cuộc đời anh và yêu cả những khát vọng, hoài bão của anh nữa.

5. Thế là anh đi. Sân bay hôm ấy vắng người nhưng nhiều nước mắt. Người ta tiễn nhau bằng những cái nắm tay âu yếm, những ánh nhìn day dứt, bâng khuâng. Cô cũng nhìn anh thật lâu, hai dòng nước mắt chảy dài trên má mà mãi không nói được câu nào. Chỉ có anh nói, chỉ có anh hứa, chỉ có anh dặn cô hãy chờ đợi. Và ba năm đằng đẵng trôi qua.

Ba năm – khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ làm mọi thứ có thể đổi thay. Cô rời công ty sớm một giờ đồng hồ, phóng xe tới sân bay để cùng Chi đón anh về. Cái khoảnh khắc gặp lại nhau sau bao ngày xa cách khiến cô thấy mọi cảm xúc như vỡ oà, hoà cùng nước mắt tuôn rơi ướt cả vai áo anh. Nhưng chỉ ngay hôm sau, cô bỗng thấy mình hụt hẫng, xa lạ trước anh. Cố dặn lòng đừng quá khắt khe với anh, cố an ủi rằng anh mới về nước, hãy còn “nhiễm” rất nhiều thứ từ lối sống nước ngoài... mà vẫn nghe con tim đau nhói. Anh bây giờ khác xưa lắm rồi. Tuy vẫn yêu cô đấy, vẫn ngọt ngào âu yếm đấy nhưng cách sống, cách nghĩ của anh có vẻ “Tây” quá, cô không sao chịu được. Chi cũng bảo “Gớm, ông này đi có ba năm mà về nhìn y như... Việt kiều ấy. Lo mà “tu tỉnh” đi, không thì có ngày à...”

6. Chủ Nhật, anh tới nhà cô từ sớm, bắt cô thay quần áo để anh chở ra phố ăn sáng. Anh ăn tô phở một cách ngon lành và cứ luôn miệng hít hà “Ngon quá, ngon quá. Qua bên đó thèm tô phở thế này nhưng họ nấu sao sao ấy em ạ, lạt lẽo lắm!” Rồi anh huyên thuyên kể chuyện nơi xứ lạ quê người với vẻ rất sôi nổi, hào hứng. Cô cũng chăm chú lắng nghe, tuy hơi khó chịu vì từ nước ngoài được anh sử dụng thay cho tiếng Việt nhiều quá.

“Mình đi nhà sách chơi nha?” – anh đề nghị sau một hồi kể lể đủ thứ chuyện về khoảng thời gian ba năm anh du học. Cô vui vẻ gật đầu, trong lòng nhen lên niềm vui sắp được sống lại những phút giây thực sự bình yên, thoải mái như ngày trước. Đi nhà sách là thú giải trí mà cả anh và cô đều rất thích. Hồi xưa, vào những lúc rỗi rảnh cô với anh thường dạo khắp các nhà sách lớn nhỏ trong thành phố này – thay vì đi lòng vòng ngoài đường như trăm ngàn cặp tình nhân khác. Không mua gì, không sắm gì mà đứa nào cũng phấn khởi, lang thang hàng tiếng đồng hồ chẳng biết chán.

Vừa bước chân đến cửa nhà sách, cô định bụng sẽ đố anh xem bây giờ ở đây người ta có cái gì mới lạ so với ba năm về trước thì chuông điện của anh réo vang. Anh nhướn mắt “Em đợi anh chút xíu nghen” và vội mở máy, nói toàn tiếng Anh với ai đó bên kia đầu dây. Ba phút, năm phút rồi bảy phút trôi qua... Cô nhè nhẹ thở dài. Anh vẫn say sưa trò chuyện, dường như đang quên hẳn sự có mặt của cô.

Cô ngó mông lung ra đường. Trời đang là mùa thu, gió mơn man thổi những chiếc lá vàng rơi lả tả trên vỉa hè. Có một chiếc vừa bay đến, chao đảo vài vòng rồi nằm yên dưới chân cô. Cô khẽ nhặt nó lên, chợt nhớ đến chiếc lá “thông điệp tình yêu” năm nào anh tặng cô. Và cô thèm lắm, nhớ lắm, thương lắm những mùa thu đã qua...

NGUYỄN HUỲNH AN THƠ

Quận 1 – TP. HCM

ĐT: 0958222895

15 thg 8, 2008

NHỮNG MÙA THU QUA - Phần 1

1. Cô quen anh vào một ngày đầu thu. Hôm đó là khai trường, sau khi dự lễ xong, cô được Chi - cô bạn cùng lớp mới quen - rủ đi nhà sách mua tập vở rồi mời về nhà chơi cho biết.

Anh là anh của Chi, cũng vui vẻ và nhiệt tình chẳng kém em gái mình. Hai anh em đã đón tiếp cô một cách nồng hậu, thân tình như thể ba người đã quen biết nhau từ trước vậy. Điều này làm cô hơi bất ngờ nhưng không thể giấu được sự cảm động và niềm vui vì có thêm một người anh, một người bạn ở chốn phồn hoa đô thị này - đang khi cô còn vô cùng bỡ ngỡ và lo sợ bởi ngoài các chị ở phòng trọ ra, cô không hề tìm thấy một gương mặt nào thân quen cả.

Rồi thì đều đặn những hôm Chủ Nhật, cô tới nhà Chi chơi. Ba mẹ Chi hiền lành, chất phác như người dân quê cô vậy. Chủ Nhật, mẹ Chi hay bày nấu món này món nọ, bảo là có cô với Chi làm phụ, bà đỡ cực mà cả nhà còn được ăn ngon. Những lúc ấy, cô vui lắm, hạnh phúc lắm. Cả tuần lễ sống trong không gian chật hẹp của phòng trọ, ăn uống qua loa ở những quán cơm sinh viên ven đường, cô luôn thấy thèm những buổi ăn đầm ấm như thế này, thèm cái cảm giác được sống trong tình yêu thương của gia đình nên mỗi khi ngồi vào mâm cơm ở nhà Chi, mắt cô lại cay cay. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ các em... Anh với Chi dường như hiểu điều đó, cứ thi nhau gắp đồ ăn cho cô, chọc cười cô rồi dắt cô lang thang suốt chiều, suốt tối qua các nhà sách, quán kem... Cô đi mỏi rã chân, thở hổn hển mà miệng cười toe, thấy sao mà mình bình yên quá, hạnh phúc quá.

2. Cô đã nhận lời yêu anh. Đó cũng là một ngày mùa thu, nắng nhàn nhạt trải xuống mặt đường và gió cuốn những chiếc lá vàng bay lả tả, vương lên tóc cô, lên vai áo anh. Có một chiếc lá khẽ rơi trong túi áo anh, thế là anh nhẹ nhàng lấy viết ra, ghi dòng chữ “Mãi yêu em” lên đó rồi trao nó cho cô, bảo “Đây là thông điệp tình yêu đó, em giữ đi, kỷ niệm ngày anh có em mà!”. Cô đưa tay đón lấy chiếc lá ấy, nghe lòng rộn lên cảm giác thật khó tả.

Tối đó về, cô không ngủ được. Cô nhớ đến chuyện ban sáng, nhớ những câu tỏ tình lúng túng, ngập ngừng của anh, nhớ ánh mắt lấp lánh niềm vui khi được cô nhận lời, và cô nghĩ nhiều về anh. Công bằng mà nói thì anh không thuộc loại thật điển trai. Nhưng anh có cặp mắt biết nói, cái miệng hay cười và đặc biệt là anh học rất giỏi, tính tình lại đầy nam tính khiến cô luôn thấy nhỏ bé khi ở bên anh. Cô thấy mình cần được chở che, cần có một chỗ dựa tinh thần thật vững chắc mà chỉ có anh mới mang đến cho cô cảm giác bình yên, hạnh phúc. Không biết tối nay về nhà, anh có khó ngủ như cô không. Rồi nhỏ Chi nữa, chả biết khi phát hiện ra chuyện “giật gân” này, cô nàng sẽ nhảy đong đỏng lên phản đối hay là vỗ tay lốp bốp “Tui chỉ chờ có thế” đây...

Bây giờ thì Sài Gòn đã trở nên thân quen, gần gũi với cô lắm rồi. Cô yêu những con đường có hai hàng cây cao bên vỉa hè, yêu những quán chè trong mấy con hẻm nhỏ, yêu không khí làm việc khẩn trương của người dân nơi đây và yêu những tiếng xe ầm ào mỗi buổi sáng khi cô đến trường nữa. Đôi khi cô tự hỏi, không biết Sài Gòn đã ngự trị trong tâm trí cô từ khi nào, và quá đỗi thân thuộc là nhờ đâu - nhờ khoảng thời gian hai năm cô sống ở nơi này hay là bởi vì ở đây có anh, cô yêu anh nên cũng yêu luôn cái thành phố mà hồi mới chân ướt chân ráo lên làm sinh viên năm nhất, cô đã chun mũi chê “Toàn bụi với khói, lại ồn ào muốn... điên!” ?! cô mỉm cười một mình. Chịu, không thể giải thích rõ ràng nổi. Chắc là có cả hai lý do đó.

3. Tình yêu quả là có nhiều chuyện nằm ngoài trí tưởng tượng của cô. Tình yêu kỳ diệu lắm, thiêng liêng lắm nhưng đôi khi cũng đáng ghét lắm. Tình yêu giúp cô có niềm vui sống, có động lực để học tập. Tình yêu mang đến cho cô hạnh phúc ngọt ngào nhưng cũng lắm hôm khiến cô nổi cáu với cái tật đùa dai của anh. Mà nói thì nói vậy chứ qua rồi, cô vẫn cảm nhận rất rõ là mình đang hạnh phúc. Và cô bằng lòng, mãn nguyện với những gì mình đang có trong tay.

Hôm qua Chi bảo “Thanh ơi, mày đúng là “thiếu nợ “ông anh Hai nhà tao đó!”. Cô tròn mắt “Là sao?” thì Chi cười khanh khách “Ngốc quá! Là phải duyên phải nợ mới gặp nhau đó. Chớ như tao đây nè, gần ra trường rồi mà có ai chịu tới... đòi nợ đâu?”. Cô gật gù, giả bộ làm tỉnh “Vậy hả? Ừ, thôi vậy mà khoẻ mày ạ. Nợ nần như tao coi chứ khổ lắm, thứ Bảy nào cũng phải ngồi cho người ta chở lòng vòng, bất kể mưa nắng!”. “Hê!” - Chi xoay phắt người lại, la lớn “Xạo vừa thôi nhỏ, thích thấy mồ còn bày đặt than vãn hở? Thứ Bảy, anh Hai tao mà hổng ghé thì cái nặt mày y như bánh bao ế vậy. Đừng có chối nghen!”.

Chi chở cô qua những con đường nhộn nhịp người, vừa chạy vừa tính chuyện mai này phải đổi cách xưng hô như thế nào cho “phải đạo”. Cô xua tay “Thôi, còn xa vời” mà trong lòng lại nghe rạo rực, bâng khuâng. Mới đó mà cô với anh yêu nhau đã hơn năm. Hai mùa thu đã đi qua. Bây giờ anh có công việc ưng ý rồi, chỉ chờ cô ra trường, tìm việc và ổn định vài năm là có thể đến với nhau. Ba má cô đồng ý và bên nhà anh thì ai cũng mến cô. Mẹ Chi đã nhiều lần nói xa nói gần trong những bữa cơm về cái ngày mà cô về đó làm dâu – thậm chí bà còn tính toán chuyện nhà cửa, con cái... cho cô với anh nữa. Mỗi lúc như thế, cô cứ ngượng chín người, hết nhìn anh tới ngó sang Chi “cầu cứu”. Mà mẹ Chi thì thật thà lắm, nói xong là nhìn cô âu yếm “Thằng Trung thương con bác mừng lắm, chứ lỡ nó ưng nhằm đứa nào bác hoặc con Chi không vừa bụng thì khổ cho nó mà khó xử cho bác nữa!”. Cô nghe vậy, lòng thấy hạnh phúc hơn được ai cho bạc vàng châu báu, bẽn lẽn “Dạ, Chi nói con với anh Trung... mắc nợ nhau đó bác” khiến cả nhà cười rần lên. Còn anh thì đương nhiên là kẻ khoái chí nhất, cứ nhướn nhướn cặp mắt đầy vẻ tự hào “Con lựa là má khỏi chê vào đâu được!”, mặc cho Chi liếc ngang liếc dọc “Xì! Thử hỏi em mà hổng chơi với Thanh, hổng dắt nó về nhà mình coi anh có tìm ở đâu ra không? Hổng biết ơn tui còn ở đó lên giọng làm phách nữa hả?”

21 thg 5, 2008

MÙA HÈ SÔI ĐỘNG - Phần 1

Nghỉ hè đúng ba tuần lễ thì tôi vác ba lô, hăng hái lên đường về quê nội, theo sau là hai “cái đuôi”: thằng Quân - bạn “chí thân chí cốt” của tôi và nhỏ Lam - cô “Út cưng” của ba má tôi. Thật ra thì lúc đầu tôi cũng không định về quê chơi, nhưng nghĩ chỉ còn mùa hè này là rảnh rỗi chứ sang năm lên 12, phải lo thi tốt nghiệp rồi thi Đại học nữa nên quyết định xách gói lên đường. Mà đi một mình thì buồn, vả lại “bỏ” thằng Quân ở lại thành phố này sợ nó ... cô đơn tội nghiệp thế là tôi “hú” nó và đương nhiên anh chàng đồng ý liền. Xin phép ba má xong, trong lúc hai đứa đang xếp quần áo chuẩn bị cho chuyến “ngao du” mà cả hai đều nghĩ rằng sẽ rất thú vị thì bỗng tôi nghe tiếng nhỏ Lam... bó nhéo xin má cho nó đi theo! Cha mẹ ơi, tôi... hết hồn!!

Không phải tôi không thương nó. Nhưng kinh nghiệm mười sáu năm làm anh của nó giúp tôi linh tính rằng dắt con nhỏ này theo thì hai đứa tôi sẽ gặp rất nhiều chuyện phiền toái! Điều đáng nói hơn là cả chục thằng bạn có em gái như tôi cũng đã xác nhận như vậy. Đi đâu có con gái là đủ thứ chuyện bực mình sẽ xảy ra! Chỉ cần nghĩ tới đó tôi đã hoảng vía. Quăng cái áo đang xếp dở, tôi chạy ào vô bếp, khoác tay lia lịa “No, no. mày ở nhà với má, không có đi đâu hết!”. Con nhỏ quay ngoắc lại nhìn tôi, dẩu môi lên “Em đi nữa, nội anh cũng là nội em chớ bộ. Chỉ cần anh dắt em tới nhà nội thôi rồi anh muốn đi đâu đi, em hổng có theo đâu mà sợ!”. Tôi trừng mắt “đã nòi không là không, tao không dắt ai hết á, mà muốn đi thì tự ra xe đi!”. Má, nhìn anh Hai kìa! - Nó bắt đầu quay qua má “cầu cứu” - Ảnh dắt anh Quân đi được mà con xin theo, ảnh la um sùm lên!”

Rồi nó rơm rớm nước mắt, ngó vừa bực mình lại vừa tội nghiệp. Người gì “ướt” thế không biết - mới nói câu trước, câu sau đã giọt ngắn giọt dài rồi. Khổ nỗi ai chứ con nhỏ này thì tôi biết quá mà, không cho đi dám chừng nó khoé... là rất “kỵ” nước mắt con gái. Hễ thấy đứa con gái nào hu hu một tí là tự dưng tôi mềm lòng liền hà. Ngay cả nhỏ Lam này cũng vậy, nước mắt của nó làm tôi khó xử vô cùng. Không cho theo thì hơi “ác”, mà cho theo lại hợp không biết những ngày nghỉ hè sắp tới cò êm xuôi, tốt đẹp như ý chúng tôi không?

Tôi đang lưỡng lự, chưa biết tính thế nào thì Lam đã giở “chiêu” ra. Nó tới gần bên tôi, nhão giọng năn nỉ ỉ ôi đủ thứ kiểu. Má tôi với thằng Quân “cầm lòng không đặng”, cứ bảo tôi cho nó theo cùng. Tôi chưa yên tâm lắm nhưng nhìn vẻ thành khẩn của nó, thấy đáng thương quá. “Thôi kệ, coi như mình “hy sinh” vì em út vậy!” - tôi thầm nhiủ rồi gật đầu. Chỉ chờ có thế, con nhỏ nhảy cẫng lên, rối rít “Cám ơn anh Hai. Em sẽ ngoan mà, em hứa á!”. Dứt lời, nó chạy tót vô phòng “tha” ra cái ba lô to gấp... ba lần ba lô của tôi, cười hớn hở “Em soạn đồ hết rồi nè, tối nay em nhủ sớm đặng sáng mai đi với mấy anh!”. “Trời đất!” - tôi lắc đầu trong khi má tôi với thằng Quân cười cái khì. Đúng là con gái... đáng sợ thiệt!

* * *

Nhỏ Lam đi xe dở ơi là dở. Nó hết than đau bụng, nhức đầu lại tới ói mửa lung tung dù trước khi lên đường, mà tôi đã cẩn thận cho nó uống thuốc say sóng. Tôi ngán ngẩm nhìn nó, định bảo “ Mày ở nhà là đúng nhất!” nhưng thằng Quân đã ngăn lại. Nó rút luôn cái khăn lau mặt của mình, đưa cho nhỏ Lam rồi nhướn mắt với tôi “thôi mày, chuyện lỡ rồi, ai muốn bèo nhèo vậy đâu? Mày lãng quá à!”. “Í trời đất ơi! - tôi trố mắt dòm Quân - Thẳng này bình thường toàn bị mình ăn hiếp mà bữa nay dám la rầy mình nữa chứ! Mà công nhận nó... ga lăng thiệt, em mình mình hổng lo, để nó lo coi cũng kỳ!”. Nghĩ thế, tôi nhe răng cười duyên và hết lòng lo lắng cho nhỏ Lam. Tội nghiệp, con nhỏ biết thân biết phận nên ngồi im re. lúc này tôi mà có “dzũa” tơi bời hoa lá đi nữa, bảo đảm con nhỏ cũng không hó hé gì! Nhưng ai lại... ác đức thế!! Không những không la nó, tôi còn tranh thủ mua hai cái khăn lạnh cho cô nàng lúc xe ngừng đỗ xăng nữa đó!

Riêng cái khăn mặt màu xanh lơ thằng Quân đưa em gái tôi lúc này, giờ đây trông rất gớm ghiết. Lạ một điều là thằng này chẳng hề có dấu hiệu gì tiếc nuối hay phật ý - thậm chí nó còn khoác tay “Em cứ quăng nó đi!” khi nhỏ Lam tỏ vẽ áy náy, khó xử. Nó còn bảo “Về dưới anh sẽ mua cái khác, không sao đâu, em đừng lo!”. Rồi có lẻ thấy nhỏ Lam lúng túng không biết tính sao, thằng bạn tôi liền với tay nhón lấy cái khăn, cho vào bao đựng khăn lạnh tôi vừa mua và quăng vèo qua cửa sổ! Xong nó cười hì hì, kêu “Ba anh em mình ngủ một giấc đi cho khoẻ, hén!”. Tôi liếc nó “cái gì ba anh em? Tao với mày thằng nào anh, thằng nào em vậy hả!”. Nó nhăn mặt, “Mày sao khó khăn, lỗi phải quá hà. Ai anh chẳng được!? Quan trọng là bây giờ nên ngủ đi, tao buồn ngủ lắm rồi đó!”.

Chưa đầy mười phút sau, thằng Quân đã “lên đường”. Tôi nghe tiếng ngáy khe khè bên tai, nhìn sang thì thấy cái đầu anh chàng đang từ từ nghiêng về phía vay tôi, sau đó thì... dựa hẳn vào luôn! Còn nhỏ Lam có lẻ sau trận ói mửa lung tung vừa rồi, cô nàng thấm mệt nên chỉ nhỏ nhẹ bảo “Để xuống tới nhà nội, em mua khăn khác đền anh Quân nha!” rồi cũng ngủ ngon lành.

Tôi ngồi chính giữa, nhìn hai đứa nó ngủ thì cũng muốn ngủ lắm nhưng chẳng hiểu sao hai con mắt cứ mở hoài. Nhắm chưa được ba mươi giây đã thấy muốn mở ra rồi, “Thôi, về nhà nội ngủ cũng được, chứ mắc gì phải ngủ giờ này!” - tôi nghĩ vậy nên không ép mình “đi du lịch” với hai đứa nó. Tôi sửa cái đầu thằng Quân lại cho ngả êm ái trên vay tôi, lấy chiếc áo lạnh của Lam trùm lên người nó rồi lơ đãng nhìn ra cửa sổ.

Xe chạy vù vù qua những cánh đồng mênh mông, phảng phất mùi lúa non. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, hàng triệu cây lúa lại rập rờn, nhịp nhàng tạo nên những cơn “sóng lúa” trông thật đẹp mắt. Sống ở Sài Gòn quanh năm chỉ thấy... khói, bụi và tiếng ồn, giờ được hít thở không khí trông lành của miền quê, tôi có cảm giác như mình đang khoẻ hơn, trẻ hơn và ... đẹp trai hơn thì phải!?

Về miền Tây mạng lưới sông ngòi dày đặc nên xe cứ chạy một chút lại lên cầu. Tôi ngắm từng dòng sông, con kênh rồi tha hồ phóng tầm mắt ra xa nhìn những hàng cây xanh ngát chạy dài đến tận chân trời. Đùng là đất miền Tây Nam Bộ trù phú, màu mỡ thật. Nhìn đâu đâu cũng thấy cây trái sum suê, ruộng đồng bát ngát. Nhất là quê nội tôi - “Đồng Tháp Mười cò bay th ẳng cánh, nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm” mà.

Còn tiếp...